VAI TRÒ pH TRONG AO NUÔI TÔM, CÁ

VAI TRÒ pH TRONG AO NUÔI TÔM, CÁ
Chia sẻ:

pH trong ao nuôi là một trong những chỉ số rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Đây là yếu tố quyết định một ao nuôi tốt và một mùa vụ thành công tốt đẹp như mong đợi không. Tuy nhiên nhiều bà con khi nuôi vẫn không quá chú trọng, bỏ qua hoặc hiểu sai khái niệm pH trong ao nuôi; từ đó khiến năng suất vụ nuôi bị giảm và không được như ý muốn. 

Trong bài viết này, Âu Mỹ AEC sẽ cùng bà con tìm hiểu sâu về vai trò pH trong ao nuôi tôm, cá cũng như cách quản lý độ pH trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Mời bà con xem qua phần bài viết dưới đây.

Khái niệm về pH trong ao nuôi tôm

pH là chỉ tiêu đo độ hoạt động của ion hydro trong nước [H+] hay thể hiện tính axit hay bazơ của nước. Công thức tính pH: pH = -lg[H+]

Hiện nay xu hướng những mô hình thâm canh nuôi thành công thường có chỉ tiêu pH nằm trong ngưỡng 7,5 – 7.8 và kiểm soát dao động nghiêm ngặt trong ngày không quá 0,2 đơn vị.

Bút đo pH

Bút đo pH tại Farm Tuấn Nghị Cà Mau

Vai trò của độ pH trong ao nuôi tôm, cá

Mối quan hệ giữa pH và tảo.

  • Khi pH quá cao thể hiện tính bazơ khi đó tảo xanh, tảo lam, tảo mắt, tảo giáp dễ phát triển các tảo này không mong muốn trong nuôi tôm và cá. Khi tảo này tàn để lại nhiều chất độc và hàm lượng khuẩn cao gây ảnh hưởng đến đường ruột tôm và cá làm tôm bị phân trắng, trống đường ruột. 
  • Tảo quang hợp và phát triển mạnh gây ra dao động pH điều này cho thấy môi trường bị phú dưỡng và thành phần loài của tảo thay đổi theo chiều hướng không tốt (ví dụ: ao bị tảo lam thường có pH rất cao).
  • pH quá thấp cũng ảnh hưởng đến tảo và vi sinh vật trong nước. Ngoài ra pH còn thấp do nước bị nhiễm phèn, sụp tảo và trong quá trình phân hủy vật chất hữu cơ trong nước.

Mối quan hệ giữa pH, oxy hòa tan, kiềm và khí độc H2S, NH4+/NH3.

  • pH thấp làm tăng tính độc của H2S. Nếu giữa ngày và đêm pH chênh lệch nhau 1,0 sẽ tăng stress lên tôm, làm yếu tôm, cá.
  • pH cao, tảo nhiều gây thiếu oxy vào ban đêm. Việc thiếu oxy làm H2S độc hơn, các khí độc khác được giải phóng NH3, NO2, CO2,...
  • H2S gây độc khi nhiệt độ thấp, pH thấp và oxy thấp. Do vậy ban đêm H2S tăng cao gây độc cho tôm. Ảnh hưởng nhẹ của H2S làm tôm yếu, dễ nhiễm bệnh, khi H2S ảnh hưởng nặng dẫn đến tôm chết đột ngột. Khi có các điều kiện bất lợi khác như mưa nhiều, gió mạnh, thiếu sục khí, khi lột xác và sinh vật phù du tàn thì sáng hôm sau người nuôi sẽ thấy tỷ lệ tôm chết cao.
  • Để đối phó với khí độc, cần duy trì pH ổn định, khoảng 7,5 - 7.6. Không được cao hơn vì tôm sẽ bị độc do NH3 tỷ lệ thuận với pH.

Ảnh hưởng của pH lên NH3/NH4+

Hình 1: Ảnh hưởng của pH lên NH3/NH4+

Ảnh hưởng của pH tỉ lệ của các dạng tổng CO2,HCO3-,CO32-

Hình 2: Ảnh hưởng của pH tỉ lệ của các dạng tổng CO2,HCO3-,CO32-

Khi pH từ 6 đến 8.0 tỷ lệ thuận với HCO3- khi pH càng cao môi trường tính bazơ và tỷ lệ nghịch với CO2 + H2CO3 có nghĩa là pH càng thấp tính acid. Khi pH = 7.5 ion HCO3- hiện diện trạng thái này cao do tác động của CO2 + H2CO3 tạo ra điều này giải thích rằng muốn tăng kiềm chúng ta cần (CO2 + H2CO3) lượng cấp này gần như tỷ lệ 1: 9, trong điều kiện pH = 7.5 thì dễ điện ly tạo ion HCO3- đồng nghĩa với khả năng tăng kiềm tốt.

Mối quan hệ giữa pH, vi khuẩn, vi rút và bệnh tôm.

  • Khi pH vượt ngưỡng có ảnh hưởng bất lợi trên tôm như làm tôm chậm lột, suy giảm miễn dịch, stress.
  • Mất cân bằng áp suất thẩm thấu.
  • Suy giảm khả năng trao đổi khí ở mang.
  • Làm chậm hoặc không liên tục quá trình trao đổi chất.
  • Thiệt hại kinh tế đáng kể là do tăng trưởng chậm, chu kỳ sản xuất kéo dài, FCR tăng cao.
  • pH quá thấp hoặc quá cao là điều kiện để các mầm bệnh tấn công và các bệnh như:
  • Vi rút: Bệnh đốm trắng (WSSV).,
  • Vi khuẩn, đặt biệt là nhóm Vibrio: bệnh phân trắng (WFD/WFS), bệnh chết sớm/hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND),...

Mối quan hệ giữa độ kiềm và pH lên khả năng lột vỏ, tỷ lệ đạt và gan tụy.

Lột xác của tôm có liên quan đến mối quan hệ giữa độ kiềm và pH, nếu pH cao hơn 8,3 tôm sẽ chờ khi pH giảm thấp hơn mới lột xác. pH thích hợp cho tôm lột xác là 7 - 8. Khi lột xác, tôm cần oxy gần gấp đôi, sau lột xác khoảng 3 - 4 giờ vỏ tôm mới cứng. Nếu tôm không hoàn tất việc cứng vỏ sau lột xác, vỏ mềm, tôm sẽ chết rất nhanh. Khi lột xác tôm cần khoáng chất cho hình thành vỏ. Người nuôi cần chú ý đến kiềm và khoáng chất trong ao nuôi. Hiện tượng hơi giảm ăn vào bữa ăn chiều là dấu hiệu tôm chuẩn bị lột xác.

Alkalinity (kiềm) cần duy trì ở 120ppm trở lên tôm phát triển tốt, tôm cứng vỏ, không bị cong thân, ít hao hụt. Buổi sáng sau đêm lột xác, nên quan sát tôm và kiểm tra chất lượng nước ao. Nếu thấy có tôm còn mềm vỏ hoặc tôm chết, hoặc alkalinity giảm đột ngột hơn 20ppm hoặc pH giảm 0,3 - 0,5 so với ngày trước đó, người nuôi cần bổ sung khoáng và bicarbonat để tăng kiềm đồng thời duy trì mức độ ổn định để đạt đầu con. Khi nước có kiềm thấp độ giao động pH rất cao, làm tảo biến động mạnh vào buổi trưa do quá trình quang hợp ánh sáng từ đó làm tôm dễ stress, dễ bệnh, hoặc bị cong thân, tỷ lệ sống giảm - Hình 3.

Dao động pH trong ngày khi độ kiềm thấp và cao

Hình 3: Dao động pH trong nuôi trồng thủy sản trong ngày khi độ kiềm thấp và cao

Ngoài ra khi pH cao lượng vi khuẩn cao dẫn đến ảnh hưởng đến hệ thống gan tụy tôm, làm gan tôm teo và không được nở theo kích thước chuẩn làm tôm chậm lớn.

pH cao ảnh hưởng gì đến tôm?

Với tôm nuôi, pH của nước có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, tiêu hóa thức ăn và hô hấp. Nếu pH quá cao hoặc quá thấp, nó có thể gây ra stress cho tôm và ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng.

Ngoài ra, pH của nước cũng ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan trong nước, vì vậy nếu pH quá cao hoặc quá thấp, có thể làm giảm nồng độ oxy hòa tan, gây ra tình trạng thiếu oxy cho tôm và gây ra tử vong.

Cách quản lý độ pH trong ao nuôi và kết luận kiến nghị

  • pH đóng vai trò rất quan trọng trong nuôi tôm, cá. pH quyết định chất lượng nước trong ao nuôi tôm, cá.

  • Không để biến động cao 2 thông số pH và kiềm vì làm biến động tảo, vi khuẩn, làm ảnh hưởng đến tôm.
  • Nên giữ pH chuẩn môi trường nuôi buổi sáng từ 7.5-7.6 lúc tôm còn nhỏ từ 1- 45 ngày tuổi giúp ổn định tảo ngừa bệnh chết sớm/gan tụy cấp.
  • Cần duy trì màu nước màu trà hoặc màu nâu vỏ đậu là tốt nhất vì màu này môi trường tảo tốt phát triển ổn định và vi khuẩn có lợi cao.
  • Khi trời mưa nhiều cần chạy quạt nhiều không nên cho ăn lúc đang mưa và theo dõi độ biến động pH và môi trường.
  • Ao bạt ít biến động môi trường khi trời mưa so với ao đất tuy nhiên do nuôi mật độ cao nên cần theo dõi kỹ tảo trong ao nuôi để có hướng kiểm soát tốt.
  • Sau mưa nên tạt vi sinh TS 68 - 1 gói /1500m3 nước tạt trực tiếp để phân hủy xác tảo và ức chế vi khuẩn xấu phát triển.
  • Quản lý pH bằng vi sinh là điều tốt nhất ổn định ít thay đổi môi trường giúp tôm giảm stress ít phát bệnh.

Viết bài: KS Trần Châu Liêm

Kiểm tra nội dung: KS Trần Huỳnh Như

Chỉnh sửa hình ảnh: Trần Duy Khải

Duyệt và chỉnh sửa nội dung: ThS Lê Trung Thực

Ghi rõ nguồn aumyaec.com khi đăng lại thông tin này.

Mời quý bà con xem qua video ổn định pH trong ao nuôi tôm luôn ở mức 7.6-7.8 của chuyên gia Âu Mỹ AEC thực hiện:

Video Ổn định pH trong ao nuôi tôm

Đang xem: VAI TRÒ pH TRONG AO NUÔI TÔM, CÁ

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
0 sản phẩm
Xem chi tiết
0 sản phẩm
Đóng
.
.
.